Ngỡ tưởng mâm xôi (phúc bồn tử) là loại quả hoang dại, chẳng có giá trị kinh tế gì nhiều. Thế nhưng bằng tâm huyết, sự mày mò sáng tạo của thầy giáo Tây Nguyên – Huỳnh Trung Quân đã khoác lên loài thảo dược quý này một “chiếc áo mới”, có mặt khắp thị trường trong Nam ngoài Bắc và vươn tầm thế giới, nhờ ứng dụng Công nghệ cao trong sản xuất – kinh doanh.


Theo CEO Công ty TNHH Phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân, Phó Chủ tịch Chi hội Doanh nghiệp huyện Đức Trọng (trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng), được thành lập từ năm 2010 đến nay, Công ty đã trải qua những bước thăng trầm và gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận.
Với chất giọng trầm ấm, anh kể, thuở ấy, khi tôi vừa tròn 25 tuổi, vì trót yêu loại quả hoang dại phúc bồn tử nên đành tạm gác sự nghiệp “khõ đầu trẻ” tại một Trường THCS tỉnh Kon Tum để vào Lâm Đồng lập nghiệp.
Khoảng năm 2000, Công ty Agropac di thực cây phúc bồn tử từ Pháp sang các xã Đạ Ròn và Tu Tra thuộc huyện Đơn Dương, giáp ranh với TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), anh Quân được tuyển vào làm công nhân trồng, chăm sóc phúc bồn tử.
Nhờ bản tính chịu khó, ham học hỏi cùng vốn Ngoại ngữ sẵn có nên thuận lợi cho anh trong việc tiếp thu kỹ thuật do các chuyên gia hàng đầu châu Âu trực tiếp hướng dẫn. Một thời gian sau, anh được lãnh đạo Công ty cất nhắc lên làm thủ kho vật tư rồi quản lý nông trại phúc bồn tử rộng cả chục ha với hàng trăm công nhân.
Công ty Agropac là Doanh nghiệp đầu tiên trồng phúc bồn tử trong nhà kính tại Tây Nguyên, gặt hái được những thành công bước đầu, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương và các tỉnh lân cận.


Nhưng đến năm 2008, Công ty giải thể do những bất đồng trong Ban quản trị. Nông trại phúc bồn tử bị Doanh nghiệp mới xóa sổ để chuyển sang trồng cây khác. Xót xa trước tình cảnh ấy, chàng trai gốc Tây Nguyên này đã mua thanh lý một số cây về trồng trong vườn nhà tại thôn Bắc Hội (Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng) với hy vọng cho ra đời loại quả cao cấp mang thương hiệu Việt Nam, tốt cho sức sức khoẻ người tiêu dùng.
Đây được xem là bước ngoặt, đánh dấu chặng đường khởi sự đầy gian nan của anh, với vai trò thủ lĩnh Công ty TNHH Phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân.
Ban đầu, anh trồng phúc bồn tử trên diện tích 2.000m2 nhưng chỉ 10% số cây được đưa vào nhà kính, còn chủ yếu trồng ngoài trời. Do đó, năng suất và chất lượng không cao, chỉ đạt từ 30 – 40%.
Song Trung Quân không hề nản chí mà quyết tâm kiên trì theo đuổi, cuối cùng, anh cũng “giải mã’ được những đặc tính sinh thái của loài thảo dược quý này. Anh cùng cộng sự Công ty mình ghi chép cẩn thận nhật ký chăm sóc, quan sát, tỉ mẩn từng khâu từ tạo luống, đặt cây, tỉa cành, bón phân, tưới nước nhỏ giọt…
Tất cả đều tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, kiểm soát chặt chẽ, nhằm phòng chống sâu, dịch bệnh hại và mang lại những sản phẩm sạch, chất lượng, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người tiêu dùng.


Đặc biệt, anh đã nghiên cứu tạo ra những giống phúc bồn tử đột biến mới với thân và nhánh lá không có lông và gai xù xì, quả nhiều với chất lượng không thua kém loại quả nhập ngoại.
Đến nay, CEO Trung Quân đã mở rộng diện tích trồng phúc bồn tử trong nhà kính công nghệ cao lên đến hàng chục ngàn mét vuông để đưa toàn bộ cây trồng vào nhà kính.
Bên cạnh đó, anh còn cung cấp cây giống, chuyển giao kỹ thuật trồng phúc bồn tử, tạo vùng liên kết, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho một số nông dân ở các xã Hiệp Thạnh, Tân Hội (Đức Trọng), nhân rộng mô hình trồng phúc bồn tử ra các địa phương lân cận là Lạc Dương, Lâm Hà và TP. Đà Lạt, tạo công ăn việc làm cho trên 50 lao động.
Cũng theo anh Quân, phúc bốn tử nhập ngoại tuy quả lớn, đồng đều hơn nhưng lại bị nhão, ướt do mất nhiều thời gian vận chuyển. Trong khi đó, phúc bồn tử trồng tại Việt Nam có ưu thế cạnh tranh hơn vì giá chỉ bằng 1/2 hoặc 2/3, quả lại tươi và khô ráo.
“Năm 2011, nhãn hiệu Phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận. Hiện sản phẩm đã có mặt tại hệ thống siêu thị Metro, nhiều siêu thị, nhà hàng, khách sạn hạng sang tại các thành phố lớn trong nước và vươn ra một số thị trường quốc tế như Nga, Trung Quốc. Doanh thu đạt xấp xỉ khoảng 1 tỷ đồng/năm”, CEO Trung Quân phấn khởi cho biết thêm.


Mới đây, Công ty TNHH Phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân được công nhận là Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao – năm 2020 về nhân giống, sản xuất và chế biến phúc bồn tử với diện tích 2 ha trang trại và 3,2 ha liên kết sản xuất với nông dân các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương và TP. Đà Lạt.
Hàng năm, Doanh nghiệp trồng cây phúc bồn tử trong nhà kính công nghệ cao, thu hoạch bình quân đạt tổng sản lượng 60 tấn quả tươi, gieo ươm và xuất vườn 20.000 cây giống, chế biến 20.000 lít rượu, 4.000 lít mật, nước cốt cùng khối lượng đáng kể các dòng sản phẩm trà, mứt…
Mỗi ngày, trang trại 2 ha phúc bồn tử ở đây thu hái quả tươi đạt từ 80-100 kg, cộng với khoảng 100 kg thu mua từ nông dân liên kết đưa về sơ chế, phân phối đến các kênh tiêu thụ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.
Toàn sản lượng phúc bồn tử quả tươi thu hái và sơ chế trong buổi sáng mỗi ngày thông qua hệ thống vận hành các công đoạn đảm bảo Vệ sinh an toàn thực phẩm, gồm: Xử lý ozon rửa sạch quả, phân loại quả, đóng gói, bảo quản mát, đưa vào xưởng chế biến, cho ra thành phẩm…
Nhờ áp dụng kỹ thuật Công nghệ cao trong trồng trọt, chăm sóc, kết hợp Nhà xưởng chế biến với dây chuyền tự động khép kín nên toàn bộ nguyên liệu phúc bồn tử tươi được vào chế biến tại chỗ, hạn chế việc tồn kho, nên doanh thu và lợi nhuận khá khởi sắc.


Từ đầu năm 2020 đến nay, Công ty TNHH Phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân mỗi ngày thu hoạch và thu mua của các hộ nông dân liên kết tổng cộng khoảng 200kg phúc bồn tử tươi, trong đó gồm 40-50 kg cung cấp ra thị trường bán lẻ; còn lại 150-160 kg đưa vào bảo quản, làm nguyên liệu chế biến với các dòng sản phẩm đa dạng như: Mật, mứt, nước cốt, rượu, trà… đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Tận mục sở thị quy trình chế biến các dòng sản phẩm phúc bồn tử trong nhà xưởng rộng hàng trăm m2 tại trang trại đạt chuẩn quốc gia QCVN: 2010/BYT, được Hội Khoa học Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận và trao Cúp Vàng thương hiệu An toàn vì sức khỏe cộng đồng VIETNAM BEST FOOD, chúng tôi mới càng thêm khâm phục tài năng và tâm huyết của thầy giáo, CEO vùng đất Tây Nguyên dạn dày gió sương này.
Bên cạnh đầu tư hệ thống máy móc, nhà xưởng chế biến, trang trại trồng trọt, CEO Trung Quân còn chú trọng nghiên cứu, xây dựng khu nuôi cấy mô nhằm nhân giống, cung cấp cho doanh nghiệp, các hộ liên kết, góp phần “chắp cánh” thương hiệu Phúc bồn tử “Made in Việt Nam”.
Anh Quân chia sẻ, hàng năm công ty chọn những cây phúc bồn tử đầu dòng khỏe mạnh, khả năng kháng bệnh cao, năng suất và chất lượng vượt trội tại trang trại để khai thác đỉnh sinh trưởng đưa vào nhân cấy mô.
“Sau 12 tháng trong phòng cấy mô, cây con phúc bồn tử trồng vào trong bịch ni lông ngoài trời thêm 8 tháng. Cuối cùng chuyển từng cây giống có chiều cao từ 1-1,5 m từ vườn ươm đưa ra trồng, chăm sóc trong nhà kính, nhà lưới thêm khoảng 6 tháng nữa là bước vào thu hoạch quanh năm…”, anh cho biết thêm.


Đặc biệt, từ phòng cấy mô này, Công ty TNHH Phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân đã nhân giống thành công cây phúc bồn tử quả đen nguồn gốc từ châu Âu. Đồng thời, bố trí 100m2 trồng thử nghiệm đạt chất lượng quả thu hoạch khá cao, năng suất khoảng 30 tấn/ha/năm, cao gấp đôi năng suất phúc bồn tử quả đỏ cùng trồng tại khu vực trang trại đã 10 năm qua.
Với giá thị trường tiêu thụ ổn định trên dưới 300.000 đồng/kg, lợi nhuận đối với mỗi ha phúc bồn tử đỏ và đen đạt từ 1 – 2 tỷ đồng/ năm.
Nói về phương hương sắp tới, thủ lĩnh Công ty TNHH Phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân, cho hay, từ nay đến năm 2025, Công ty sẽ phát triển vùng nguyên liệu phúc bồn tử đen và đỏ từ 25 – 30 ha ở địa bàn các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương, TP. Đà Lạt. Toàn bộ sản phẩm thu hoạch được chứng nhận sản xuất công nghệ cao theo quy trình VietGAP.
“Đồng thời, Công ty chúng tôi sẽ đầu tư mở rộng nhà xưởng chế biến tăng công suất lên gấp 5- 6 lần các dòng sản phẩm rượu, rượu vang, nước cốt, mật, mứt, trà phúc bồn tử… theo quy trình HACCP, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm toàn cầu. Ngoài ra, gắn phát triển doanh nghiệp với trách nhiệm cộng đồng, tạo dựng thương hiệu với những bước đi bền vững và có chiều sâu”, anh Quân chia sẻ.


DOISONGNEWS