Anh Huỳnh Trung Quân (sinh năm 1975), ở thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh (Đức Trọng) đã “giải mã” cây ăn trái ngắn ngày có tên “phúc bồn tử” rồi hoàn chỉnh mô hình nuôi dưỡng trong vườn nhà. Anh Huỳnh Trung Quân kể rằng, cây phúc bồn tử được anh đưa về từ nguồn giống thanh lý các nông trại ở các xã Tu Tra, Đạ Ròn thuộc huyện Đơn Dương (của doanh nghiệp các nước châu Âu đầu tư, nay đã giải thể), trồng đầu tiên trên 2.000m2 vườn nhà của mình vào năm 2008.
Trước đó 8 năm – năm 2000, từ vị trí người công nhân làm đất, bón phân… khá chăm chỉ và nhiều sáng kiến, được các chủ doanh nghiệp đến từ châu Âu “cất nhắc” chuyển sang công việc thủ kho vật tư đến quản lý nông trại phúc bồn tử. Nhờ đó, anh mới biết cây phúc bồn tử được phát hiện từ các nước Đông Nam Á và Bắc Mỹ vào những năm thế kỷ 13. Đến cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, một nhà nông học gốc La Mã đã sản xuất thành những hạt giống phúc bồn tử đầu dòng mới để cung cấp cho nhu cầu trồng trọt trên khắp châu Âu. Giống mới có năng suất cao vượt trội và chất lượng ngon khác biệt hơn so với cây hoang dại, nên đã phát triển nhanh chóng thành những cánh đồng rộng lớn ở châu Âu.
Ở Việt Nam gọi “phúc bồn tử” là “mâm xôi”. Theo danh y Hải Thượng Lãn Ông của Việt Nam, trái mâm xôi (phúc bồn tử) rất giàu vitamin C, có chứa nhiều hoạt chất giúp trì hoãn sự phát triển của tế bào ung thư…
Năm đầu trồng phúc bồn tử trên 2.000m2 vườn nhà, trong đó có 200- 300m2 nhà kính, còn chủ yếu diện tích trồng ngoài trời vì thiếu vốn, nên tỷ lệ cây sống chỉ từ 30-40%. Trồng và chăm sóc đến hơn 6 tháng sau mới thu hoạch, cộng hết sản lượng cả năm bấy giờ mới đạt 500-600kg trái/1.000m2, chỉ bằng sản lượng thu khoảng 2 tháng trên cùng diện tích hiện nay. Bù lại hiệu quả đạt cao nhất lúc này là anh đã hiểu biết được đặc tính sinh thái của cây phúc bồn tử trồng để bổ sung những công thức về làm đất, bón phân, phun thuốc, tưới nước… thích hợp trong cả quá trình chăm sóc trong nhà kính. Những năm tiếp theo, tiết kiệm các nguồn vốn thu nhập của mình và huy động thêm từ các nguồn khác bên ngoài (chấp nhận lãi suất cao), anh đã mở rộng dần diện tích trồng phúc bồn tử trong nhà kính đến nay thành 13.500m2.
Hiện nay, anh Quân đã cung cấp giống và chuyển giao kỹ thuật trồng cây phúc bồn tử cho nhiều hộ nông dân ở xã Hiệp Thạnh và xã Tân Hội của huyện Đức Trọng, hộ trồng thấp nhất là 2.000m2, hộ trồng nhiều nhất là 5.000m2, cả hai đều đã thu hoạch hàng ngày trên 10 kg trái/1.000m2.
Theo ông Phan Xuân Tịnh, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, cây phúc bồn tử do anh Huỳnh Trung Quân, người đầu tiên đưa về và hoàn thiện quy trình sản xuất đã đạt thu nhập cao, mở ra khả năng đột phá làm giàu phổ biến khi được chuyển giao đến với người nông dân địa phương.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Ngọc Thịnh đã ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Huỳnh Trung Quân – Giám đốc Công ty TNHH Phúc Bồn Tử Huỳnh Trung Quân (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đã có “thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế của tỉnh Lâm Đồng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ Quốc”.