Lâm Đồng: Nhân rộng diện tích trồng phúc bồn tử

Không chỉ được biết đến với công nghệ trồng dâu tây trong nhà kính, tới nay, giáp ranh với TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, người nông dân còn tạo được sự chú ý khi ngày một nhân rộng diện tích cây phúc bồn tử – một loại cây trồng cho trái có giá trị, mang lại thu nhập cao.

Phúc bồn tử còn được gọi là quả mâm xôi. Đây là một loài cây dược liệu quý, giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng các bệnh tim mạch, tăng cường trí nhớ, giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư… Người đầu tiên trồng loại cây này từ đầu những năm 2000 ở Lâm Đồng là anh Huỳnh Trung Quân – một thày giáo dạy hóa – sinh. Cơ duyên anh gắn bó với trái phúc bồn tử là do gặp nông trại phúc bồn tử bị doanh nghiệp mới xóa sổ để chuyển sang trồng cây khác. Anh Quân đã mua thanh lý một số cây về trồng trong vườn nhà tại thôn Bắc Hội (Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng) với hy vọng cho ra đời loại quả cao cấp mang thương hiệu Việt Nam. Năm đầu anh trồng phúc bồn tử trên diện tích 2.000m2, nhưng chỉ 10% số cây được đưa vào nhà kính, còn chủ yếu trồng ngoài trời.

anh Huỳnh Trung Quân
anh Huỳnh Trung Quân trong vườn phúc bồn tử – Ảnh: M.V.

Kiên trì theo đuổi, anh Quân giải mã được đặc tính sinh thái của loài cây này; bổ sung, hoàn chỉnh dần phương thức tạo luống, đặt cây, tỉa cành, phun thuốc; quá trình tưới nước, bón phân được kiểm soát nghiêm ngặt thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt; phát hiện và phòng trừ kịp thời những bệnh dịch hại như sâu, rệp, gỉ sắt, phấn trắng, nhện đỏ… không để phát tán trên diện rộng nên cây sinh trưởng tốt. Đáng chú ý, anh Quân đã nghiên cứu tạo ra những giống mâm xôi đột biến mới với thân và nhánh lá không có lông và gai xù xì, quả nhiều với chất lượng không thua kém loại quả nhập ngoại. Đến nay anh Quân đã mở rộng diện tích trồng phúc bồn tử trong nhà kính công nghệ cao lên đến hàng chục ngàn mét vuông để đưa toàn bộ cây trồng vào nhà kính. Với mức giá từ 240 – 270 ngàn đồng/kg, ước tính thu lãi cả tỷ đồng/ha/năm; giải quyết việc làm cho hơn 15 lao động tại địa phương.

Anh Quân còn cung cấp cây giống và chuyển giao kỹ thuật trồng phúc bồn tử rồi bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho một số nông dân ở các xã Hiệp Thạnh, Tân Hội (Đức Trọng); giúp ngành chức năng nhân rộng mô hình trồng phúc bồn tử ra huyện lân cận là Lạc Dương. Thấy được ưu thế của loại cây này, tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các ban ngành chức năng tổ chức học tập kinh nghiệm, nhân rộng mô hình trồng phúc bồn tử với các giống cây đầu dòng mới từ trang trại của anh Quân cho vùng rau quả tại Đà Lạt và các huyện lân cận. Cụ thể, tại thị trấn Lạc Dương (Lạc Dương – Lâm Đồng) đã đưa lên trồng, chăm sóc ở độ cao 1.500m, bước đầu thu lợi nhuận khá.

Ước tính tổng sản lượng cả năm vừa qua là 1,1 tấn/1.000m2, doanh thu 110 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng 40 triệu đồng. Ông Nguyễn Đình Nhạc – người trồng phúc bồn tử ở Lạc Dương cho hay, đến cuối tháng 11 -2014, giá phúc bồn tử tăng lên 200.000 đồng/kg, tại vườn của hộ ông Nguyễn Đình Nhạc đã góp phần nhân đôi số lãi hơn 80 triệu đồng. Ông Nhạc cho biết, sản lượng phúc bồn tử sẽ đạt từ 1,5 tấn trở lên.

Thống kê sơ bộ, đến nay, ở 3 vùng đất Đức Trọng, Đơn Dương và Lạc Dương của Lâm Đồng chỉ mới phát triển khoảng 5ha trồng cây phúc bồn tử, còn quá khiêm tốn so với nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, để trồng mới 1.000m² nhà kính phúc bồn tử, cần nguồn vốn xây dựng cơ bản ban đầu trên dưới 150 triệu đồng, một khoản tiền không phải nhà nông nào cũng có. Bởi vậy, cần có những nguồn vốn ưu đãi của nhà nước để tỉnh Lâm Đồng sớm mở rộng vùng chuyên cây phúc bồn tử – loại cây có giá trị cả về chất lượng và hiệu quả kinh tế.

PHƯƠNG LAN